G-2 và thế giới lưỡng cực
Nguyễn Trường
tka23 post
Một hệ lụy của khủng hoảng 2008:
Câu lạc bộ G-2 chập chững ra đời
Sự trỗi dậy của TQ suốt trong ba thập kỷ vừa qua quả thực rấtđáng lưu tâm. Tuy nhiên, những thành phần quốc gia cực đoan ở TQ vẫn chưa mấy hài lòng khi chưa thấy rõ xu thế tuột dốc của Tây phương.
Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đang gặp khó khăn ngay từ các xứ cội nguồn. Âu châu và Nhật Bản đang chìm sâu trong suy thoái và không còn được xem như những đối thủ đáng ngại.
Siêu cường Hoa Kỳ đã vượt qua đỉnh điểm. Mặc dù bề ngoài các lãnh đạo TQ còn tránh né tỏ ra đắc thắng, Bắc Kinh cũng đã có vài khẳng định uy thế ngày một quan trọng hơn trong sinh hoạt toàn cầu.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo không còn thấy cần thiết phải bám víu chiêu bài: TQ chỉ là một tay chơi khiêm tốn trong chính trị thế giới, luôn tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế của chính mình. Họ Ôn bắt đầu nói rõ, TQ là một đại cường và tỏ bày âu lo 1.000 tỉ USD đầu tư của TQ đang lâm nguy vì lối tiêu pha hoang phí của người Mỹ. Ông cũng bác bỏ những nhận xét thiếu thận trọng của Timothy F. Geithner, tân bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ, về việc TQ đang nhào nặn hối suất đồng nhân dân tệ như những lời tuyên bố lố bịch.
Ngoại trưởng Hillary Clinton, tỏ ra biết điều hơn, đã được Bắc Kinh tiếp đón đúng nghi thức ngoại giao, nhưng cũng chỉ như một đối tác đồng vai vế. Tháng 3-2009, một cuộc đối đầu hàng hải cỡ nhỏ rõ ràng đã được giàn dựng với một tàu do thám Hoa Kỳ ở Nam Hải. Dù sao, người Mỹ còn được quan tâm. Người Âu chẳng còn được lưu ý: một cuộc gặp gở thượng đỉnh với Liên Hiệp Âu châu (EU) bị hủy bỏ và nước Pháp còn bị cho vào sổ đen vì Nicolas Sarkozy đã dám tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma khi đang giữ chức Chủ Tịch EU.
Ngoài ra, một ý tưởng lớn khác cũng đã được phổ biến trên toàn cầu: từ nay địa chính trị chỉ là một sinh hoạt lưỡng cực, với Hoa Kỳ và TQ là hai tay chơi chính. Nghị trình hội nghị ngày 2-4-2009 ở Luân Đôn không phải là sự gặp mặt của nhóm G-20, mà là cuộc họp thượng đỉnh G-2 giữa T T Barack Obama và Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào. Điều nầy đã gây lo ngại chẳng những cho người Âu, vừa thoát khỏi chính trị đơn cực của George W. Bush lại phải đối đầu với thế lưỡng cực của hai siêu cường Thái Bình Dương, mà cả cho Nhật Bản, nước luôn e ngại những đối thủ ở lục địa Á châu. Đó cũng là điều hình như đã tác động đến Hoa Thịnh Đốn, nơi lưỡng viện Quốc Hội đang bị ám ảnh bởi các đối tác láng giềng đang có khuynh hướng bảo vệ mậu dịch.
Giới Hạn và Tiềm năng
Trước khi sự âu lo lan tràn, tưởng cần phải ghi nhận bên cạnh cái thế mạnh, sự khẳng định uy thế mới của TQ đồng thời cũng phản ảnh khía cạnh tiêu cực của chính TQ. Như chính Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã thú nhận, TQ vẫn còn là một xứ nghèo nàn, đang đối diện một năm khó khăn sóng gió nhất của thế kỷ mới. Một ước tính gần đây về số công ăn việc làm bị thất thoát - lối 20 triệu - cũng đủ nói lên tầm cỡ của vấn đề.
Ngân Hàng Thế Giới (WB) đã dự phóng tỉ suất phát triển của TQ xuống còn 6,5% trong năm 2009. Đây vẫn là một tỉ suất khá cao so với các xứ khác, nhưng đối với người Hoa đã quen với tỉ suất trên 10%, tỉ suất năm 2009 chẳng mấy khác một thoái trào.
Đã có hàng chục nghìn cuộc xuống đường phản đối hàng năm: nông dân có ruộng đất bị giải tỏa vì nhu cầu phát triển; công nhân mất việc làm; những nạn nhân của tình trạng ô nhiễm môi sinh. Ngay cả trong trường hợp TQ, như một phép lạ, thành đạt được tỉ suất phát triển chính thức 8% năm 2009, các xáo trộn xã hội - biểu tình, khiếu kiện...- chắc chắn ngày một tệ hại hơn.
Thay vì đầy tự tin, TQ sẽ trải nghiệm một cuộc tranh luận gay gắt về hệ thống kinh tế, cũng như mô hình một đại cường nên theo đuổi. Đã hẳn đây là cuộc tranh luận chính quyền chẳng mấy ưa thích. Trong năm nay, nhà cầm quyền đã giản lược phiên họp thường lệ hàng năm của Quốc Hội Nhân Dân (National People's Congress - NPC) xuống cấp thảo luận kín và các diễn đàn internet.
Cánh hữu đòi hỏi tự do cởi mở nhiều hơn luôn bị nghi ngờ tránh né. Nhưng cấp lãnh đạo TQ cũng phải đối diện với những chỉ trích từ các phần tử bất đồng chính kiến cánh quốc gia tả phái, xem nạn suy thoái như một cơ may để chận đứng các cải cách theo hướng thị trường trong quốc nội và để TQ khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Một TQ giận dữ có thể trở thành bài ngoại, nhưng không phải tất cả các mục tiêu lý tưởng các phần tử quốc gia tả khuynh theo đuổi đều nguy hiểm: chẳng hạn việc đòi hỏi chính quyền cung cấp các dịch vụ công cộng và một mạng lưới an sinh xã hội thiết yếu.
Nói một cách khác, TQ đang ở trong một vị thế chênh vênh hơn là người Tây phương thường nghĩ. Thế giới chưa phải đang ở trong trạng thái lưỡng cực, và có thể sẽ không bao giờ như thế. Liên Hiệp Âu Châu, mặc dù chưa hoàn hảo và nhất trí, vẫn là đơn vị kinh tế lớn nhất thế giới.
Về dân số, Ấn Độ có thể sẽ qua mặt TQ. Tuy nhiên, điều đó không làm mờ nhạt một sự thật là uy thế tương đối của TQ rõ rệt ngày một gia tăng - và Tây phương cũng như TQ cần phải thích ứng với thách thức ngày một nổi cộm đó.
Đối với T T Barack Obama, thực tế vừa nói đòi hỏi phải thực thi một chiến lược quân bình khó khăn. Trong trường kỳ, nếu Obama không thành công trong việc lôi cuốn TQ, Ấn Độ, và Ba Tây, vào hệ thống tự do đa quốc gia trước khi mãn nhiệm kỳ, các sử gia có thể phán xét ông đã thất bại. Trong đoản kỳ, Obama cần buộc TQ phải thực thi các hứa hẹn và lên án khi họ thất hứa. Theo vài nhà quan sát Tây phương, khi viếng thăm TQ, ngoại trưởng Hillary Clinton lẽ ra đã phải cứng rắn với TQ về Tây Tạng và nhân quyền.
Câu lạc bộ G-20 là cơ hội đem lại cho TQ một vai trò trách nhiệm trong quá trình hình thành những quyết định toàn cầu lớn lao hơn nhiều so với các câu lạc bộ G-7 và G-8. Và đó cũng là cơ hội để TQ chứng tỏ khả năng hành xử ảnh hưởng mới của mình một cách trách nhiệm.
Thành Tích Một Đại Cường
Thành tích của TQ như một công dân quốc tế hàng đầu quả thật khá nghèo nàn. Trong bảng liệt kê những vấn đề nổi cộm từ Iran cho đến Sudan, TQ đã sử dụng thế mạnh địa chính trị, địa vị một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An LHQ, của mình, để cản trở mọi tiến bộ, núp sau chiêu bài không muốn can thiệp vào nội tình các xứ thành viên khác.
Tuy nhiên, đối với những vấn đề đòi hỏi phải hành động tức khắc, như kinh tế toàn cầu, cơ hội hành động hình như tương đối đã được mở rộng.
Trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua, TQ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa. Hàng trăm triệu người Hoa đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo và đã lọt vào tầng lớp trung lưu. Trong quá trình đó, TQ luôn giữ thái độ bất hợp tác. TQ đã cản trở mọi vòng đám phán mậu dịch. Cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G-20 hồi đầu tháng 4-2009 đã đem lại cho TQ một cơ hội để thay đổi thái độ. Tại hội nghị, TQ đã được yêu cầu giúp thêm tài nguyên cho IMF để Quỹ nầy có đủ phương tiện cứu trợ các xứ đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chánh 2008, nhất là các xứ Đông Âu. Một số lãnh đạo ở Bắc Kinh, ngược lại, chỉ muốn phớt lờ IMF, bởi lẽ IMF có thể giúp các xứ nguyên Cộng Sản nhưng nay lại có lập trường chống đối TQ. Vượt lên trên những thái độ chống đối nhỏ nhen để đóng góp phần mình, tự nó, chỉ là một bước nhỏ. Nhưng đó sẽ là một dấu hiệu TQ đã trưởng thành trong vai trò một đại cường.
Cờ Đã Đến Tay
Trong một cuộc hội thảo tại diễn đàn Maoflag ở Bắc Kinh, ngồi trước bức ảnh lớn của Chủ Tịch Mao Trạch Đông lúc còn trẻ, Zhang Hongliang hiểu rõ cần phải nói những gì trước một cử tọa có tinh thần quốc gia và khinh thường những phần tử hữu khuynh. Họ đang chen chúc và thích nghe nghe thuyết giảng về mối đe dọa của đế quốc Mỹ và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay với hệ lụy đối vói các xứ Tây phương và TQ.
Họ Zhang thao thao bất tuyệt - từ ca tụng Mao; miệt thị Mỹ (thiếu bề dày lịch sử, thiếu văn hóa...); cảnh báo hiểm họa da trắng; cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay hoàn toàn do lỗi Tây phương, và khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng, Tây phương lại chỉ trích TQ; nay đã đến lúc TQ phải chế tạo một hàng không mẫu hạm; đến Chiến tranh với Mỹ là một việc chỉ gây hại, một việc làm "lose-lose", nhưng TQ cũng không nên quá e sợ.
Phe tả ở TQ ngày một hiếu động khi nhịp tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ. Họ Zhang thuộc nhóm cực tả ngoại vi luôn say sưa với lý tưởng bình đẳng kiểu Mao, với quyền sở hữu của Nhà Nước, với lòng tin Hoa Kỳ là kẻ thù. Cuộc hội thảo của Zhang đã được tổ chức bởi phe quốc gia, đầy nhiệt huyết, với những chiêu bài Cộng Sản, với niềm tin TQ là nạn nhân và luôn sẵn sàng để rửa hận. Thành phần tham dự những diễn đàn nầy thường hăng say với lễ mừng sinh nhật của Mao Chủ Tịch trong khắp TQ trong khi chính quyền TQ lại chẳng thích những lễ lược tự phát kiểu nầy.
Rất ít ai muốn gợi ý một sự trở lại chính quyền của phe Maoists cực đoan. Tuy nhiên, tinh thần quốc gia của họ lôi cuốn được quần chúng. Nhìn ra thế giới bên ngoài, với phương Tây đang chìm đắm trong biến động tài chánh, và các lãnh đạo Tây phương đang thèm khát sự trợ giúp của một TQ đầy ngập thanh khoản, TQ thấy mình đang đứng trước nhiều cơ hội mang tính chiến lược.
Ngay cả trước khi khủng hoảng tài chánh bắt đầu trong năm 2008, chủ nghĩa quốc gia ở TQ đã sôi sục. Người ta thấy rõ hiện tượng nầy trong phản ứng của người dân TQ trước các biến động ở Tây Tạng, trước sự hỗ trợ của Tây Phương đối với đức Đạt Lai Lạt Ma, và trước sự thành công của TQ trong thế vận hội Bắc Kinh tháng 8-2008.
Giờ đây, một Tây Phương tơi tả đã trở thành mục tiêu trời cho để TQ có thể biểu lộ thái độ khinh miệt câm nín từ lâu. Ngay cả chính quyền TQ, vốn rất cẩn trọng, cũng bắt đầu tỏ dấu hiệu sẵn sàng sử dụng uy lực của mình trên trường quốc tế.
Trong phần lớn hai thập kỷ vừa qua - ngoại trừ vài lần cọ xát với Đài Loan năm 1995-96 và với Hoa Kỳ năm 2001, TQ luôn theo đuổi một chính sách thận trọng trong sinh hoạt quốc tế. Đường lối của TQ có thể tóm tắt trong bốn câu ngắn gọn điều hướng tư duy các nhà làm chính sách. Chính cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình là tác giả của đường lối nầy: TQ nên giữ một hình ảnh khiêm tốn, từ chối vai trò lãnh đạo, kiên nhẫn tập trung vào nỗ lực phát triển, và che giấu khả năng của mình. Ngày nay, với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Tây Phương rõ ràng suy yếu, giới lãnh đạo thấy cần xét lại.
Tuy vậy, lãnh đạo TQ vẫn luôn tìm cách trấn an thế giới bên ngoài. Nhân chuyến công du vào cuối tháng giêng và đầu tháng 2-2009, trong một cuộc nói chuyện tại Đại Học Cambridge (khi một sinh viên phản đối gốc Đức ném một chiếc giày về phía ông), Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh: sự phát triển của TQ không là một đe dọa đối với bất cứ ai. TQ là một đại cường yêu chuộng hòa bình và luôn có thái độ hợp tác.[1] Vài nhà ngoại giao nhạy cảm nước ngoài đã tỏ ra ngạc nhiên trước cụm từ "đại cường" (great power); nhưng đó chính là cụm từ Ôn Gia Bảo đã từng dùng ngay cả trước khi có cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Tuy vậy, để tránh làm phật lòng người nước ngoài, bản dịch tiếng Anh được thông tấn xã Xinhua phân phối sau đó, đã thay vào từ "xứ" (country).
Tuy nhiên, về vấn đề Tây Tạng, TQ luôn giữ vững lập trường. Sau khi nhượng bộ chút ít trước áp lực công luận Tây phương trong năm 2008 khi phải chấp thuận ba vòng đàm thoại với các đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma, TQ đã trở lại lập trường cũ. Thực vậy, sau những xáo trộn trong tháng 3-2008, nhà cầm quyền TQ đã phát động một cuộc bố ráp quy mô nhằm ngăn ngừa những làn sóng phản đối của người Tây Tạng nhân ngày kỷ niệm thứ 50 cuộc nổi dậy, một biến cố đã đưa đến sự kiện lưu vong của đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ. Trong dịp nầy, không một nhà báo ngoại quốc nào đước phép đến Tây Tạng.Tháng 2-2009, TQ tiếp đón nồng hậu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Lần nầy, TQ đã có đủ lý do để tự hào: một quan chức quan trọng của Hoa Kỳ rõ ràng đã phải đến TQ cầu viện. Hillary Clinton - có lần đã khoe, trong một chuyến thăm Bắc Kinh năm 1995, bà đã đặt nặng vấn đề nhân quyền - giờ đây đã phải nói rõ: thành tích nhân quyền không mấy tốt cũa TQ không thể gây trở ngại cho việc hợp tác giải quyết khủng hoảng tài chánh và hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Zhang Hongliang tại cuộc hội thảo Maoflag chắc hẵn đã lấy làm khoái chí trước giọng điệu mềm dẻo mới của Hillary.
Hai tuần sau ngày Ngoại Trưởng Clinton rời Bắc Kinh, hải thuyền TQ đã quấy nhiễu một tàu biển không vũ trang của Mỹ, chiếc Impeccable, trong vùng biển Nam Hải. Tàu Impeccable, lúc đó, đang ở một vị trí chỉ cách xa bờ biển TQ khoảng 120 cây số và có lẽ đang dò tìm tàu ngầm TQ. Mặc dù TQ đã nhiều lần phản đối, hải quân Mỹ vẫn thường hoạt động trong hải phận quốc tế ngoài khơi TQ để theo dỏi các hoạt động quân sự.
Lần nầy, tàu TQ đã phản ứng mạnh mẽ hơn: bao vây tàu Impeccable, và tìm cách chận đường rút lui. Sau đó, người Mỹ đã gửi tới một tuần dương hạm có trang bị hỏa tiễn để bảo vệ chiếc Impeccable.
TQ rõ ràng muốn tránh đi quá xa trong nội vụ, có lẽ e ngại có thể gây ra một khủng hoảng lớn trong quan hệ Mỹ-Hoa như đã xẩy ra năm 2001 khi một chiến đấu cơ phản lực TQ đâm vào một phi cơ do thám Mỹ và buộc phi cơ nầy phải đáp xuống một căn cứ không quân TQ. Phi hành đoàn Mỹ bị giữ 11 ngày.
Lần nầy, TQ chỉ gửi một tàu tuần ngư (không thể đối đầu với một tuần dương hạm có trang bị hỏa tiễn) đến trong vùng. Tuy nhiên, theo Shi Yinhong, thuộc Đại Học Renmin, biến cố nầy là dấu hiệu của một thái độ cứng rắn của TQ đối với phương Tây.
Mặc dù TQ có thể muốn tránh chạm trán với Hoa Kỳ, nhưng Âu châu là một chuyện khác. Quyết định đột ngột hủy bỏ phiên họp thượng đỉnh với EU dự trù vào tháng 12-2008, cho thấy, ngay giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu, TQ vẫn sẵn sàng phản ứng mạnh đối với các lãnh đạo của đối tác thương mãi lớn nhất của mình. Lý do: T T Pháp Nicolas Sarkozy đã dám tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma khi đang giữ chức chủ tịch EU. EU và TQ đã đồng ý lên lịch cuộc họp thượng đỉnh trở lại vào cuối năm nay, nhưng T T Sarkozy vẫn chưa được tha thứ. Ôn Gia Bảo đã tránh mặt Tổng Thống Pháp trong chuyến công du Âu châu mới đây. Họ Ôn cho biết: trên phi cơ tôi đã nhìn lại bản đồ Âu châu. Chuyến công du của tôi sẽ diễn ra chung quanh nước Pháp.[2]
Điều đó chưa có nghĩa lời khuyên của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã bị rủ bỏ. TQ đã phản ứng lạnh nhạt đối với đề nghị hai đại cường, TQ và Mỹ hay Nhóm G-2, nên cùng nhau tìm một giải pháp chung cho các vấn đề kinh tế thế giới.
Fred Bersgsten, thuộc Viện Kinh Tế Thế Giới, đã đưa ra ý tưởng nầy trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 7-2008. Ông lập luận: TQ vẫn tiếp tục hành động như một nước nhỏ với ít tác động trên hệ thống toàn cầu nói chung, và vì vậy, rất ít trách nhiệm với hệ thống.[3] Theo Bergsten, ngay từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay, TQ đã thách thức ngày một mạnh mẽ và rõ ràng hơn các quy luật và định chế quốc tế: cản trở các bước tiến trong vòng đàm phán Doha về thương mãi toàn cầu, giúp đỡ các nước ngoài không đếm xỉa đến nhân quyền hay môi trường, và từ chối chấp nhận một chính sách hối đoái mềm dẻo. Bergsten đề nghị: tốt nhất TQ và Hoa Kỳ nên làm việc với nhau như Nhóm G-2, nhằm cung cấp một sự lãnh đạo chung cho hệ thống kinh tế toàn cầu.
Robert Zoellick, chủ tịch World Bank, và kinh tế trưởng Justin Yifu Lin, trong bài viết đăng trên báo Washington Post ngày 6-3-2009, đã ủng hộ ý tưởng G-2. Mặc dù không nhắc lại lời công kích của Bergsten về thái độ bướng bỉnh của TQ, cả hai đồng ý: "không có một G-2 mạnh mẽ, Nhóm G-20 sẽ chẳng làm được gì"[4]. Tuy nhiên, vài quan chức TQ cho đó là một bẫy sập. Theo Liaowang, một tạp chí do Xinhua xuất bản, các học giả TQ tin ý tưởng G-2 "sẽ có hại thay vì hữu ích"[5]. Hoa Kỳ chẳng bao giờ chịu nhường quyền kiểm soát trật tự thế giới, và trong mọi trường hợp, TQ cũng không bao giờ muốn tìm cách hành xử bá quyền.
Đã hẳn TQ luôn vun quén uy thế toàn cầu ngày một gia tăng của mình. Như một nhà ngoại giao Tây phương nhận xét, cuộc gặp mặt giữa Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch TQ Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị thượng đỉnh Luân Đôn ngày 2-4-2009 sẽ quan trọng hơn chính hội nghị thượng đỉnh G-20 nhiều. TQ đã làm lu mờ Hội Nghị Thượng Đỉnh Nhóm G-20 vừa qua khi, ngay trước ngày 2-4-2009, đã cho công bố gói kích cầu 4.000 tỉ đồng yuan (US$565 tỉ). Theo tin đồn, TQ còn sẵn sàng để công bố tiếp một gói kích cầu tương tự. Điều nầy sẽ làm vừa lòng mọi người.
Tuy nhiên, TQ vẫn chưa tìm cách truất ngôi của Hoa Kỳ. Trong hiện tình, TQ chỉ tập trung vận động giành một tiếng nói ngày một nặng ký hơn cho chính mình và các nước đang phát triển trong IMF, nơi đã hẳn Hoa Kỳ luôn giữ quyền phủ quyết. Nhưng TQ cũng chưa muốn đòi quyền phủ quyết cho riêng mình.
Tại cuộc họp báo ngày 13-3-2009, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo tránh không nói rõ ngạch số TQ đồng ý cấp thêm cho IMF để nâng cao khả năng đối phó với khủng hoảng tài chánh. Số tiền hổ trợ, theo nhận xét của các nhà ngoại giao, sẽ tùy thuộc ở trọng lượng TQ giành được cho tiếng nói của mình trong IMF. Một bài viết trên nhật báo chính thức China Daily ngày 17-3-2009 đã đăng lời của kinh tế gia thẩm quyền Yu Yongding: TQ không nên hổ trợ nhiều cho IMF - nhất là vì một vài xứ trên danh sách cần được cứu trợ từ Âu châu đang có thái độ thù nghịch đối với TQ.
Đầu Tư Có Điều Kiện Vào Hoa Kỳ
Một số bình luận gia và học giả TQ gần đây thường trao đổi những viễn kiến mang tính cực đoan là liệu TQ có nên phát huy ảnh hưởng chiến lược của mình nhân cuộc khủng hoảng hiện nay. Một bài viết gần đây trên nhật báo Economic Reference, do một viện nghiên cứu chiến lược của chính quyền xuất bản, phản ảnh những nhận thức của TQ trong địa hạt nầy: cuộc khủng hoảng đang làm suy yếu uy thế kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao của các xứ phát triển. Sự kiện nầy đang tạo ra một cơ hội lịch sử giúp TQ củng cố địa vị của mình. TQ nên xuất khẩu tư bản đầu tư vào các quốc gia vùng Đông Nam Á, giúp củng cố kinh tế các xứ nầy. Như vậy, TQ có thể giúp ngăn ngừa các xáo động chính trị và giành được ảnh hưởng chiến lược trong vùng.
Cũng theo gợi ý của bài viết, TQ nên đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ nhằm học hỏi tri thức kỹ thuật tân tiến (sophisticated know-how). Nếu chính quyền Mỹ chống đối, "chính quyền TQ tuyệt đối có thể sử dụng số mỹ kim tiết kiệm của mình như một đòn bẫy thương nghị buộc người Mỹ phải chấp thuận sự tậu mãi của TQ".[6] Nhiều nhà ngoại giao cho biết, nhiều viên chức TQ cấp thấp cũng đã đe dọa: TQ rất có thể tung các trái phiếu ngân khố Hoa Kỳ ra bán nếu Hoa Thịnh Đốn chọc giận TQ về Tây Tạng; một cuộc tiếp kiến Obama dành cho đức Đat Lai Lạt Ma, chẳng hạn, cũng có thể gây ra phản ứng tương tự. Ít ai tin TQ có thể thực sự áp dụng một chiến thuật tự tác hại như vậy, nhưng chỉ việc tung ra những quan điểm như thế cũng cho thấy một vài quan chức đang bộc lộ một sự tự tin mang tính đe dọa. Sự kiện TQ quyết định, ngày 18-3-2009, sử dụng luật chống độc quyền để chặn đứng dự án thủ đắc công ty sản xuất nước ngọt Huiyuan của TQ với giá 2,4 tỉ USD của hãng Coca-Cola, cũng được vài nhà quan sát Hoa Kỳ xem như bằng chứng của thái độ vừa nói.
Sự tự tin nầy cũng lộ rõ trong một chuyến công du châu Mỹ La Tinh của Phó Chủ Tịch Xi Jinping trong tháng 2-2009. Tại một cuộc gặp mặt Hoa Kiều hải ngoại ở Mexico, PCT Xi Jinping, người được nhiều người xem sẽ thay thế Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào trong tương lai, đã kết án những người nước ngoài ăn no rửng mỡ không biết làm gì hơn là chỉ trích TQ.[7] Họ Xi nói, nước ông không xuất khẩu cách mạng hay nghèo đói hay xen vào chuyện nội bộ các nước ngoài, như vậy, còn gì khác để nói nữa? Các bạn bè của ông, ngoại giao hơn, nghĩ đây là những lời lẽ hơi quá đáng; mặc dù các websites, nặng tính quốc gia chủ nghĩa, cực kỳ vui thích, các phương tiện truyền thông quốc nội đều không được phép đăng tải.
Các nhà lãnh đạo TQ luôn làm mọi cách để tránh gieo ấn tượng là TQ không nhất quyết theo đuổi chủ nghĩa tư bản thị trường (mặc dù với sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà Nước). Nhưng kinh tế TQ đang trải qua nhiều xáo trộn. Chính quyền ước lượng khoảng 20 triệu nhân công du cư bị mất việc khi các kỹ nghệ dùng nhiều lao động chế tạo các sản phẩm rẻ tiền để xuất khẩu đã phải đóng cửa. Nhân viên văn phòng cũng bắt đầu bị ảnh hưởng. Một số đang bị sa thải và nhiều người khác bị cắt giảm tiền lương và tiền thưởng. Các lãnh đạo TQ vẫn tuyên bố mức tăng trưởng chính thức có thể đạt 8% năm 2009, tụt từ 9% năm 2008; WB, với dự báo ở tỉ suất 6,5%, vẫn ghi nhận TQ là nước tương đối sáng sủa trong một nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.[8] Tuy vậy, thời đại hoàng kim đã thực sự chấm dứt.
Vẫn Còn Là Đồ Đệ Của Adam Smith
Trong suốt cuộc khủng hoảng, giới lãnh đạo TQ luôn cảnh báo nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch - hiểu rõ thương mãi với phương Tây vẫn giữ vai trò sinh tử. Đáng buồn cho phe tả trên các websites, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo luôn ca tụng Adam Smith trong các diễn văn và các cuộc họp báo. Đến Luân Đôn, ông còn tiết lộ với tờ Financial Times, ông luôn mang theo trong hành lý cuốn The Theory of Moral Sentiments của Smith.
Theo giải thích của Ôn Gia Bảo, một thông điệp quan trọng của cuốn sách là kết quả của phát triển kinh tế không được chia sẻ cho mọi người, đó là điểm thiếu lành mạnh về phương diện đạo đức, cũng như một đe dọa cho ổn định xã hội. Cách nhìn nầy được sự đồng tình mạnh mẽ của nhiều người Hoa, luôn bất bình và chua xót bởi tình trạng phân phối quá bất đồng đều thành quả của quá trình phát triển nhanh chóng của TQ.
Giới lãnh đạo TQ có thể được nhân dân trong nước nhiệt liệt tán thưởng khi can đảm đối đầu với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên họ hiểu rất rõ họ rất dễ bị chỉ trích đã không làm đủ để giúp đỡ các nạn nhân của suy thoái kinh tế. Khi nhấn mạnh khía cạnh triết lý nầy của Adam Smith, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo muốn được người dân hiểu là ông luôn lo nghĩ đến số phận của họ và chăm lo cho họ.
Tuy nhiên họ Ôn cũng không muốn bị quấy rối bởi cùng một cuộc tranh luận đang đè nặng lên chính quyền các xứ Tây phương về phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng. Cuộc họp thường niên của Quốc Hội TQ trong tháng ba chỉ được triệu tập trong 9 ngày thay vì hai tuần như thường lệ. Mặc dù ngay cả các hãng thông tấn chính thức muốn có nhiều chi tiết về các kế hoạch chi tiêu, nghị trình do chính quyền quyết định lại cho thấy quá ít chi tiết một cách đáng ngạc nhiên. Chủ tịch Quốc Hội, Wu Bangguo, lợi dụng cơ hội để dài dòng chỉ trích hình thức dân chủ Tây phương. Họ Wu nói với các đại biểu: Lãnh Đạo Đảng chỉ có thể tăng cường và không vì lý do gì giảm bớt. Sở dĩ Wu Bangguo bị khích động như vậy, có lẽ bên trong TQ đã có nhiều tiếng nói có trọng lượng đưa ra luận điệu trái ngược.
Nhưng rất ít chi tiết mới về các biện pháp kích cầu được tiết lộ trước Quốc Hội. Chính quyền chỉ cho biết, một chương trình chi tiêu khổng lồ riêng cho cải cách y tế (850 tỉ yuan trong 3 năm) sẽ được hoàn tất sau phiên họp QH. Để xoa dịu âu lo của quần chúng, chính quyền cũng tiết lộ chi tiêu cho các dự án an sinh sẽ tăng từ 1% lên 4% gói kích cầu. Chi tiêu về hạ tầng cơ sở sẽ giảm bớt từ 45% xuống còn 38%. Chi tiêu cho các đề án môi trường cũng bị cắt giảm từ 9% xuống còn 5%. Ngân khoản dành cho các chương trình xanh cũng rõ rệt sụt giảm.
Dù sao, cánh tả vẫn có lý do để hoan hỹ. Các xí nghiệp quốc doanh là nhóm ưu đãi, được dành một phần kếch sù trong gói kích cầu. Nhưng các kinh tế gia hữu khuynh ở TQ lo lắng tập đoàn các ngân hàng và xí nghiệp quốc doanh sẽ chia nhau chiến lợi phẩm, gạt ra ngoài các xí nghiệp tư nhân cỡ nhỏ và cỡ trung. Họ cũng âu lo các cải cách có thể khựng lại.
Viện Cải Cách và Phát Triển TQ, một viện nghiên cứu chiến lược hữu khuynh quan trọng vừa mới xuất bản một phúc trình 171 trang, nhan đề"The International Financial Crisis Challenges Reforms in China"(Khủng Hoảng Tài Chánh Thế Giới Đang Thách Thức Những Cải Cách ở TQ). Phúc trình mô tả khủng hoảng kinh tế như vấn đề lớn nhất TQ đã phải đối diện trong lịch sử 30 năm đổi mới và cải cách ( thực ra, TQ cũng đã đối diện một vài khủng hoảng lớn khác: Khủng hoảng Thiên An Môn 1989, Khủng Hoảng Tài Chánh Á Châu 1997-98, và khủng hoảng tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà Nước sở hữu khiến hàng triệu người thất nghiệp).
Bản phúc trình kết luận, nếu không tiếp tục các biện pháp cải cách theo hướng thị trường, biện pháp kích cầu không những sẽ không thành đạt được mục tiêu mà sẽ còn tích lũy hoặc kéo dài các khó khăn dài hạn.
Bản phúc trình còn liệt kê các thay đổi cần được thực hiện: các biện pháp kiểm soát giá điện nước và các độc quyền nhà nước đối với các kỹ nghệ như viễn thông,đường sắt, và hàng không. Phúc trình cũng đòi hỏi các cải cách tài chánh cấp tốc như khuyến khích phát triển các định chế tài chánh tư, buông lỏng lãi suất và thả nổi đồng nhân dân tệ.
Ngay sau khi phiên họp Quốc Hội thường niên vừa bế mạc ngày 13-3-2009, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố, để đối phó với khủng hoảng, TQ nên đẩy mạnh cải cách, nên để cơ chế thị trường phân bổ các tài nguyên, và nên khuyến khích phát triển khu vực tư. Ông c̣òn nói tiếp, chính quyền cũng cần phải tiếp tục các biện pháp cải cách chính trị để bảo đảm các quyền tư do của công dân. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến các quan chức nhà nước bớt hứng khởi thực hiện các đổi thay vừa kể. Nhiều người giờ đây lại tin, vai trò lớn lao của chính quyền trong nền kinh tế và hệ thống độc đảng của TQ không là một trở lực mà là một yếu tố mang tính tích cực, một động lực.
Rất có thể khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng, chính quyền sẽ thận trọng hơn trong chính sách đối nội. Nhưng nếu chính sách bảo vệ mậu dịch gia tăng ở các xứ phương Tây, những thành phần có tinh thần quốc gia ở TQ sẽ có khuynh hướng đòi hỏi chính quyền phải theo đuổi những chính sách đối ngoại cứng rắn hơn. Trong cuốn Unhappy China, xuất bản ở TQ tháng 3-2009, các tác giả muốn khai thác sự bất bình rộng lớn trong quần chúng đối với phương Tây. Một trong những bài viết lập luận, cuộc khủng hoảng tài chánh rất có thể sẽ khiến các xứ Tây phương ganh tức gây chiến với TQ để làm suy yếu xứ sở họ.
Rất ít người TQ quá bi quan như thế. Một trong số tác giả cho biết chính quyền rất âu lo loại sách nầy có thể nhen nhúm sự nghi ngờ ở phương Tây về hiểm họa TQ. Nhà xuất bản đã loại bỏ phần nói về việc Ấn Độ đã sáp nhập vùng Sikkim năm 1975 vì e ngại làm phật lòng Ấn. TQ muốn trở thành đại cường số một, nhưng muốn thành đạt địa vị đó mà không phải gây ra những kẻ thù quan trọng.
Trong mọi trường hợp, khủng hoảng 2008 đã đem lại những điều kiện thuận lợi cho sự chập chững ra đời của ý tưởng G-2.
Nước Mỹ, trên đà xuống dốc và dưới sự lãnh đạo của T T Barack Obama, hình như đã thấm thía giới hạn của chủ nghĩa đế quốc và siêu cường duy nhất trong thế kỷ 21, và từ đó, đã khởi sự kiềm hãm phần nào tham vọng toàn cầu của chính mình.
TQ, trên đà đi lên và dưới quyền lãnh đạo của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, liệu có học được gì quý giá từ kinh nghiệm lịch sử của các đế quốc đi trước cũng như từ bài học dạy cho người Việt Nam năm 1979 của chính mình, để chọn một mẫu siêu cường xứng đáng được theo đuổi.
Xin hãy cùng chờ xem!
GS Nguyễn Trường
Irvine, CA, USA
30-4-2009
CHÚ THÍCH: Tư liệu dùng trong bài được lấy từ Tạp Chí The Economist.
No comments:
Post a Comment